Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

SỬ DỤNG HÓA CHẤT AN TOÀN VÀ SỨC KHỎE TẠI NƠI LÀM VIỆC

Kể từ năm 2003, tổ chức lao động thế giới ILO quyết định chọn ngày 28/4 hằng năm là ngày an toàn và sức khỏe lao động thế giới nhằm tuyên truyền việc phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trên toàn cầu.


Chủ đề của Ngày Thế giới 2014 về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc: "An toàn và sức khỏe trong sử dụng hóa chất tại nơi làm việc ". Hóa chất là chìa khóa cho cuộc sống hiện đại và sẽ tiếp tục được sản xuất và sử dụng tại nơi làm việc. Với sự nỗ lực phối hợp đồng thời của hàng loạt quốc gia, nhiều tổ chức chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động, và nhiều doanh nghiệp sản xuất hóa chất để đảm bảo sự cân bằng thích hợp giữa lợi ích của việc sử dụng hóa chất và các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát các tác động tiềm ẩn có hại đến sức khỏe người lao động, nơi làm việc, cộng đồng và môi trường.

Việc sản xuất và sử dụng hoá chất tại nơi làm việc trên toàn thế giới là một trong những thách thức lớn nhất đối với các chương trình bảo vệ nơi làm việc. Hoá chất có vai trò quan trọng đối với đời sống; những lợi ích của chúng là rất to lớn và đã được ghi nhận, từ hoá chất trừ sâu để nâng cao chất lượng trong sản xuất thực phẩm, dược phẩm để chữa bệnh đến các sản phẩm tẩy rửa để làm vệ sinh… hoá chất là yếu tố thiết yếu cho cuộc sống lành mạnh và tiện nghi hiện đại. Hoá chất còn là cấu thành cơ bản của các ngành sản xuất công nghiệp để sản xuất ra các sản phẩm phục vụ đời sống. Tuy nhiên kiểm soát sự tiếp xúc với hoá chất tại nơi làm việc cũng như hạn chế sự phát tán của chúng vào môi trường là nhiệm vụ mà mọi quốc gia, người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) phải chiến đấu không ngừng nghỉ.

Điều tạo ra sự nan giải chính là các rủi ro gắn với việc tiếp xúc với hoá chất. Hoá chất trừ sâu giúp cho cây trồng tăng năng suất nhưng lại có ảnh hưởng xấu lên NLĐ trong quá trình sản xuất và sử dụng, trên cánh đồng hoặc tiếp xúc với hoá chất dư thừa. Dư thừa thuốc trừ sâu trong sản xuất và sử dụng còn ảnh hưởng đến môi trường sinh thái kéo dài nhiều năm trời sau khi sử dụng. Dược phẩm cứu chữa người bệnh có thể ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ NLĐ do tiếp xúc trong quá trình sản xuất thuốc hoặc quản lý chúng. Các chất tẩy rửa làm cho môi trường sống được sạch sẽ, vệ sinh nhưng cũng làm cho NLĐ tiếp xúc bị ảnh hưởng xấu trong cả quá trình sản xuất cũng như tiếp xúc hành ngày. Hoá chất gây ra các ảnh hưởng xấu trong phạm vi rất rộng, từ các yếu tố gây ung thư đến các nguy cơ cháy nổ và ô nhiễm môi trường, ví dụ đầu độc các loài thuỷ sinh. Nhiều vụ cháy nổ và các thảm hoạ môi trường do quản lý hoá chất không tốt.

Trong nhiều năm qua, trong lĩnh vực ATVSLĐ đã có rất nhiều nghiên cứu về an toàn hoá chất được thực hiện. Mặc dù đã có nhiều thành tựu đạt được trong việc quản lý hoá chất, nhiều quốc gia, NSDLĐ và NLĐ cũng có nhiều nỗ lực để hạn chế các ảnh hưởng xấu của chúng, cả ở cấp độ quốc gia và khu vực nhưng chừng đó chưa đủ. Các sự cố vẫn tiếp tục xảy ra và ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người và môi trường. NLĐ, những người tiếp xúc trực tiếp với các hoá chất độc hại phải có quyền được làm việc trong môi trường an toàn và sạch sẽ – họ cần phải được thông tin, huấn luyện và bảo vệ.
Cần phải có sự liên kết toàn cầu đối với các tiến bộ khoa học và công nghệ, sự phát triển trong sản xuất hoá chất và sự thay đổi trong tổ chức công việc. Tương tự, cần phát triển các công cụ mới để các thông tin về các tính nguy hại của hoá chất cũng như các biện pháp phòng ngừa luôn có sẵn; các cách thức tổ chức và sử dụng thông tin sao cho có tính hệ thống để sử dụng hoá chất tại nơi làm việc một cách an toàn.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét